Giá hạt mắc ca còn tùy xuất xứ

Không ít người đang tò mò về cây mắc-ca (macadamia), loại cây đang có kế hoạch được trồng ở Tây Nguyên, với hạt của nó được các phương tiện truyền thông ca ngợi là hạt mắc nhất thế giới. Việc nhiều người tìm mua ăn thử cho biết khiến loại hạt này hút hàng, song giá bán hạt mắc ca bao nhiêu? sản phẩm này mắc hay rẻ còn tùy vào xuất xứ của nó.

Giá hạt mắc ca còn tùy xuất xứ
Giá hạt mắc ca còn tùy xuất xứ

Chủ tiệm kẹo mứt 751 ở cửa Đông chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM cho biết mùa tết vừa qua, sản phẩm hạt mắc-ca khá hút khách hàng. Trung bình một ngày cửa hàng chị bán được vài chục ký hạt mắc-ca, thậm chí có những thời điểm cửa hàng chị không còn hàng để bán. “Loại hạt này được nhập khẩu từ Úc có giá một triệu đồng/kg đối với loại hạt đã tách vỏ, còn loại hạt nguyên vỏ có giá 320.000 đồng/kg. Nếu khách hàng mua nhiều sẽ được giảm giá”, vị chủ tiệm kẹo mứt cho biết.

Ghi nhận thực tế tại một số chợ lớn trên địa bàn thành phố cho thấy hạt mắc-ca được bày bán với nhiều mức giá khác nhau. Tại chợ Tân Định (quận 1), một số tiểu thương cho biết hạt mắc-ca được nhập từ hai nguồn chủ yếu là Úc và Trung Quốc. Đối với hạt mắc-ca nguyên vỏ được nhập từ Úc có giá 550.000 đồng/kg, còn loại nhập từ Trung Quốc có giá 350.000 đồng/kg, rẻ hơn 200.000 đồng/kg so với sản phẩm của Úc.

Một tiểu thương tên Sinh bán hàng tạp hóa tại chợ Tân Định (quận 1) cho biết hạt mắc-ca của Úc hầu như không có hàng, vì thế sạp hàng của chị cũng chỉ bán mắc-ca nhập từ Trung Quốc, loại được đóng thành từng bịch có giá bán khoảng 140.000 đồng/500 g.

Trong khi đó theo một số nguồn tin cho biết, hàng mắc ca nhập chính ngạch từ Úc và Mỹ, có giấy chứng nhận và tem kiểm định chất lượng rõ ràng có giá lên tới 980.000 đồng/kg.

Bên cạnh nguồn hàng nhập từ Úc và Trung Quốc, nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố đang chào bán hạt mắc-ca trồng trong nước, chủ yếu là ở các tỉnh Tây Nguyên. Công ty Vinamacca, đơn vị chuyên cung cấp giống, thu mua, chế biến xuất khẩu hạt mắc-ca, cho biết trong năm 2014 đã có khoảng 50 tấn hạt mắc-ca sản xuất trong nước được đưa ra thị trường nội địa. Phía công ty này đưa ra dự báo, mức tiêu thụ của thị trường vẫn còn lớn, có thể đạt 200 tấn mỗi năm.

Những gì đang diễn ra cho thấy hiện có ba loại hạt mắc-ca đang chào bán trên thị trường với các mức giá khác nhau. Vấn đề là người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là hạt mắc-ca nhập từ Úc, Trung Quốc hay trồng trong nước. Do được quảng cáo là “nữ hoàng” của các loại hạt với giá bán dành cho những người có thu nhập cao hoặc những người mua làm quà biếu nên nhiều người mua vì lời đồn thổi hơn là căn cứ trên khía cạnh dinh dưỡng.

Theo Hiệp hội quốc tế về các hạt ăn được (INC), trong số những hạt ăn được đang được thương mại hóa trên thị trường như quả óc chó, hạt điều, lạc (đậu phộng) và hạt chà là thì hạt mắc-ca có hàm lượng calo lớn nhất khi có đến 7.180 kcalo trong 1 kg hạt. Tuy nhiên, hàm lượng protein, vitamin A, E, B6 lại thấp hơn nhiều so với hạt điều.

Giải thích về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, đồng thời cũng là thành viên của INC, cho biết hạt mắc-ca có giá bán cao hơn, một phần nằm ở quy trình chế biến. Do hạt có vỏ dày và để tách được vỏ lấy nhân đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn nên phần nào đẩy giá cao lên. Còn nếu so sánh trên khía cạnh các chất dinh dưỡng, hạt mắc-ca không có những hàm lượng vượt trội hơn các loại hạt ăn được khác.

Nguyễn Quyên – Ngọc Hùng

SẢN PHẨM DÀNH RIÊNG CHO BẠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *