Ký sự cây mắc ca: Đâu phải vùng nào cũng trồng được!

Người dân và doanh nghiệp trước khi trồng phải lựa giống kỹ. Với cây mắc ca đến mùa ra hoa mà gặp thời tiết nóng quá là không đậu quả.

KS Đặng Thị Thùy Thảo, Bộ môn lâm nghiệp cây ăn quả, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã chia sẻ với Đất Việt và chỉ ra những điểm đáng lưu ý khi trồng mắc ca.

PV: – Thưa bà, trong thời gian gần đây, có nhiều động thái thúc đẩy việc trồng cây mắc ca (ngân hàng nhà nước hứa hỗ trợ vốn, đặt mục tiêu 200.000 tấn năm 2015, chưa trồng và đánh giá kết quả vùng Tây Nguyên đã giao nghiên cứu vùng Tây Bắc). Cá nhân bà nhận định tiềm năng của cây mắc ca thế nào, và mức độ phù hợp của loại cây này với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam? Từ đó, bà bình luận như thế nào về động thái cấp tập mới đây của cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước để thúc đẩy mở rộng diện tích trồng loại cây này ở Việt Nam?

KS Đặng Thị Thùy Thảo: – Đây là loại cây mới du nhập về Việt Nam trong thời gian ngắn. Hiện các mô hình nghiên cứu thí nghiệm của Viện có những giống trồng năm thứ 5-6 cho 5 đến 6kg nhân bán được.

Sang năm thứ 9 thì được 10kg. Hiện ở Viện có 2 giống OC và H2 cho năng suất như vậy.

Về hiệu quả kinh tế, cứ 1ha trồng khoảng hơn 300-400 cây, năng suất cho khoảng 5-6kg quả/cây.

Nhưng không phải giống nào cũng cho năng suất như vậy và còn phụ thuộc vào vùng sinh thái mình trồng phải thích hợp với cây. Phải trồng vùng nào thời tiết thuận lợi phù hợp với cây đó thì năng suất mới tốt.

Cây này được đưa vào nước ta từ đầu những năm 1990, đã được trồng khảo nghiệm ở nhiều nơi, trong đó tại Krông Năng (Đắc Lắc) là nơi có triển vọng nhất, sau đó là một số nơi ở miền Bắc và Bắc Trung bộ.

Các tỉnh miềm Nam, Nam Trung bộ và duyên hải miền Trung, những nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm trên 25oC và những nơi có gió Lào trong mùa nở hoa, không phù hợp với mắc ca.

Trồng mắc ca bằng cây hạt năng suất chỉ bằng 1/4 đến 1/2 năng suất trồng bằng cây ghép của những giống cao sản đã được đánh giá qua khảo nghiệm.

Theo nghiên cứu của Viện mới chỉ nghiên cứu qua đề tài cấp cơ sở mới chỉ trồng ở Viện và những vùng lân cận chứ chưa trồng được ở nhiều vùng trên cả nước để khảo nghiệm giống.

Nhưng đối chiếu với yêu cầu sinh thái cây mắc ca ở Hawai ở Úc thì những vùng nào tương đương thì có thể trồng được.

Nhưng nếu trồng mở rộng phải có khảo nghiệm chi tiết chứ không phải chỉ thấy khí hậu tương đương là có thể trồng.

Nhiều người dân ở Tây Nguyên đã trồng mắc ca
Nhiều người dân ở Tây Nguyên đã trồng mắc ca từ trước đó
PV: – Trong tất cả các bài tính về hiệu quả kinh tế của loài cây này, dư luận nhận thấy, căn cứ đều dựa vào giá của mắc ca tại thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ ở thời điểm hiện tại. Đứng ở góc độ kinh tế, theo bà điểm thiếu sót của các tính toán này là gì? Liệu điều đó có dẫn tới những sai lầm như đã xảy ra với cây cao su, mía đường… hay không, thưa bà?

KS Đặng Thị Thùy Thảo: – Về việc tính toán giá trị kinh tế đã được nhiều chuyên gia đề cập. Như GS Trịnh Đình Khả người đầu tiên nghiên cứu về cây này từng có bài viết chi tiết chỉ ra những yếu tố liên quan đến cây mắc ca.

Theo đó từ kết quả nghiên cứu cũng như khảo nghiệm của nhiều chuyên gia đã chứng minh một vườn quả mắc ca 20 ha thì 3-4 năm đầu chưa có thu nhập, phải đầu tư 28,5 triệu đồng/ha, đến năm thứ 7 có thể thu lãi 2,6 triệu đồng/ha (chưa phải điểm hòa vốn), năm thứ 15 có thể thu lãi 78,2 triệu đồng/ha.

Một số nơi có thể có lãi trước 7 tuổi, song nhìn chung phải sau 8 – 10 năm mới có thu nhập ổn định. Giá hạt mắc ca trên thế giới tuy có thay đổi, song tương đối ổn định giữa các năm và giữa các nước (khoảng 30.000-50.000 đồng/kg),

Như vậy đầu tư trồng mắc ca phải sau 6-7 năm mới có lãi. Đây là điều mà người đầu tư cần tính đến trước khi trồng.

PV: – Sau hơn 10 năm vào Việt Nam, đến nay đã có khoảng 2.000 ha mắc ca được trồng. Theo giới chuyên môn nếu trồng mở rộng thì sẽ phải tính đến chuyện quỹ đất. Bà có lo ngại nguy cơ phá rừng để trồng cây này? Bà có cảnh báo gì với cơ quan chức năng và người dân?

KS Đặng Thị Thùy Thảo: – Tôi chưa nghe thấy ý kiến phá rừng để trồng cây này vì hiện cây mắc ca có thể trồng xen được cả với cây cà phê.

Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên khi trồng lưu ý, nên trồng cây ghép chứ không trồng cây thực sinh. Thứ hai là nên tham khảo ở một số giống năng suất cao, phù hợp dựa trên kết quả của Viện Khoa học lâm nghiệp.

Người dân và doanh nghiệp trước khi trồng phải xem giống nào là phù hợp mới mua.

Chỉ đơn cử như ở Tây Nguyên, trong tỉnh Đăk Lăk mà đưa vào huyện Ea sup trồng là không được vì vùng đó quá nóng, đến mùa ra hoa mà gặp thời tiết nóng quá là không đậu quả.

Tôi muốn nhắc lại là không phải vùng nào cũng trồng được. Còn về cách chăm sóc thì đây là loại cây không khó chăm sóc. Khi mua về trồng đã có quy trình tạm thời hướng dẫn, mật độ bao nhiêu, phân bón như thế nào… thì không khó.

Bệnh cây đến nay chưa phát hiện, qua một thời gian đưa về Việt Nam sâu bệnh không nghiêm trọng. Một số tài liệu của Úc tham khảo thấy một số bệnh thường gặp không đến mức khó xử lý.

Một điều nữa, đây là cây tự thụ phấn và thụ phấn chéo thì nếu trồng đơn lẻ năng suất sẽ không cao, vì thế một vườn nên trồng 2-3 giống trở lên.

Hiện Viện vẫn tiếp tục theo dõi một số giống của Úc nhập sang để có những đánh giá tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

SẢN PHẨM DÀNH RIÊNG CHO BẠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *