Giải pháp “chuỗi giá trị” cho quả (hạt) mắc ca Việt Nam)

Chuỗi giá trị Hạt mắc ca

Mắc ca (còn gọi là mác ca hay quả óc chó) có tên khoa học Macadamia, là một chi cây thân gỗ có nguồn gốc từ Châu Đại Dương.

Theo wikipedia, hạt mắc ca có hàm lượng chất béo chưa bão hòa đơn cao nhất trong số các loại hạt đã biết, với khoảng 22% axit béo omega-7 có các tác động sinh học tương tự như một chất béo chưa bão hòa đơn. Nó cũng chứa 9% protein, 9% cacbohydrat và 2% sơ dinh dưỡng, cũng như canxi, photpho, kali, natri, selen, sắt, thiamin, riboflavin và niacin.

Với những giá trị dinh dưỡng như vậy, quả mắc ca hiện nay được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, do đó nhu cầu về loại hạt nguyên liệu này trên thế giới ngày càng cao.

Một số liệu thống kê cho biết, nhu cầu trên thế giới cho mắc ca gấp 4 lần tổng sản lượng, nguồn cung hạt mắc ca còn được dự báo phải mất hàng chục năm nữa mới đuổi kịp cầu. Mắc ca là một trong những hàng nông sản đắt giá nhất trên thị trường thế giới hiện nay và vẫn không ngừng tăng.

Tại Việt Nam, cây mắc ca được trồng khảo nghiệm từ những năm 2000 và tỏ ra đặc biệt thích hợp với thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên và Tây Bắc bộ. Theo các chuyên gia, mắc ca là loại cây sẽ thay thế được cây cà phê truyền thống ở Tây Nguyên trong bối cảnh loại cây trồng hiện được coi là kinh tế chủ lực này ở đây đang ngày càng già cỗi, cho năng suất thấp và không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo.

Cuối năm 2013, mắc ca đã được đưa vào danh mục ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch hai vùng trọng tâm phát triển mắc ca là Tây Bắc và Tây Nguyên, với quy mô diện tích trên 200.000 ha đến năm 2030.

Ngày 19/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tại điều 12 có ghi: “Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng”.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” diễn ra ngày 7/2, GS. Vương Đình Huệ – Trưởng ban kinh tế trung ương, cho biết cây mắc ca mang lại kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, tiêu, điều, chuối tiêu.

“Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển cây mắc ca để trở thành trung tâm mắc ca không chỉ của khu vực mà còn thế giới. Chúng ta có thể tin tưởng mắc ca Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cần phải tránh bẫy phát triển cây mắc ca giá rẻ”, ông Huệ nhấn mạnh.

Quả mắc ca còn tươi
Theo ông Huệ, cần phải rút kinh nghiệm từ cây nông nghiệp khác để xây dựng chuỗi giá trị cho cây mắc ca, theo hướng bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như tránh được tình trạng được mua mất giá.

Về vấn đề này, theo ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (đơn vị đã có Đề án Thay đổi giống cây trồng – Phát triển cây mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên), cần phải có một chiến lược theo hướng giải quyết được thị trường tiêu thụ cho cây mắc ca, chế biến và xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm và giảm tỷ lệ xuất khẩu thô.

“Làm được điều này, chúng ta sẽ giải quyết được tình trạng được mua rớt giá đối với nhiều sản phẩm hiện nông nghiệp hiện nay của Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh Lâm Đồng bố trị cho một khu đất để làm khu công nghiệp để xây dựng nhà máy để chế biến cho cây mắc ca”, ông Minh kiến nghị.

Để triển khai chiến lược phát triển mắc ca không thể không giải quyết nguồn vốn. Về vấn đề rất quan trọng này, TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết sẽ đề xuất giải pháp 10.000 tỷ đồng cho vay hộ nông dân vùng Tây Nguyên để phát triển cây mắc ca. Ngân hàng cũng sẽ trực tiếp đầu tư 5.000 ha mắc ca thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt, đây cũng là đầu mối thực hiện quy trình khép kín: sản xuất – chế biến – tiêu thụ.

Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, các hộ gia đình vay vốn của ngân hàng này để trồng cây mắc ca sẽ được ngân hàng mua bảo hiểm theo hướng nếu có thua lỗ thì người nông dân sẽ không bị mất ruộng, đất.

Tuy nhiên, ông Hưởng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn.

Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Đông – Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng phạm vi quy mô phát triển cây mắc ca theo hướng rút kinh nghiệm từ các cây nông nghiệp khác, sẽ nghiên cứu để xây dựng gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với đặc thù của cây mắc ca.

Tại Hội thảo, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Dương Công Minh cũng thông tin về việc thành lập Hiệp hội Mắc ca Tây Nguyên tại Lâm Đồng. Theo đó, Hiệp hội sẽ do Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm Chủ tịch danh dự và ông làm Chủ tịch trực tiếp.

Để xây dựng giải pháp căn cơ cho cây mắc ca, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã đưa ra 7 kiến nghị:
Thứ nhất, cần tổ chức đánh giá, làm rõ luận cứ khoa học và khả năng thực tiễn về sinh trưởng và phát triển cây mắc ca ở Tây Nguyên. Hợp tác với chuyên gia đầu ngành, người có kinh nghiệm về mắc-ca và đơn vị đã trồng mắc-ca thành công để có nghiên cứu, đánh giá xác đáng và khả thi, rút ngắn thời gian sản xuất thử nghiệm tại địa bàn.

Thứ hai, trên cơ sở khẳng định khả năng phát triển, tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mắc ca theo hướng gắn kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm thu hút các dự án đầu tư mở rộng sản xuất “cánh đồng lớn mắc ca” theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân vùng quy hoạch nắm và hiểu được giá trị kinh tế và môi trường của cây mắc ca, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Thứ tư, đưa nhanh các chính sách của Nhà nước vào thực tế, đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.

Thứ năm, tuyển chọn, xác định cơ cấu giống phù hợp để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm; đầu tư áp dụng khoa học – công nghệ trong các khâu trồng, chăm sóc, sơ chế bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thứ sáu, đưa cây mắc ca vào trồng xen canh với cây cà phê thuộc dự án phát triển cà phê xứ lạnh của tỉnh ở vùng Đông Trường Sơn.

Thứ bảy, tìm giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, hệ thống điện, thủy lợi cấp nước đến vùng quy hoạch.

SẢN PHẨM DÀNH RIÊNG CHO BẠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *